Tin công nghệ

Dự đoán 08 xu hướng công nghệ và quản lý nổi bật năm 2022

07/01/2022  | 

Bước vào năm 2022, công nghệ đã đồng hành cùng chúng ta đi qua đại dịch sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới cách chúng ta làm việc, sống và tương tác. Đây sẽ là năm được nhiều chuyên gia kỳ vọng đem lại sự bùng nổ của các xu hướng công nghệ. Vậy công nghệ sẽ mang lại điều gì cho thế giới vào năm 2022?

1. Xu hướng Kết cấu dữ liệu (Data Fabric)

Hàng năm, Gartner (Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ có trụ sở tại Stamford, Connecticut, Hoa Kỳ) tổng hợp lại các xu hướng công nghệ chiến lược quan trọng đối với công ty. Vào năm 2022, danh sách này bao gồm 12 xu hướng giúp các CEO mở rộng, thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Kết cấu dữ liệu cung cấp khả năng tích hợp linh hoạt giữa các nguồn dữ liệu trên nhiều nền tảng và người dùng doanh nghiệp, giúp dữ liệu có sẵn mọi lúc, mọi nơi.
Kết cấu dữ liệu có thể sử dụng các phân tích để nghiên cứu và tích cực đề xuất nơi dữ liệu nên được sử dụng và thay đổi. Điều này có thể giúp giảm bớt đến 70% khối lượng công việc quản lý dữ liệu.
 
2. Nền tảng Cloud-Native (Cloud-Native Platforms), Công nghệ “đa đám mây”

Nền tảng Cloud-native là cách tiếp cận hiệu quả trong xây dựng và vận hành các ứng dụng khai thác ưu điểm của mô hình Điện toán đám mây - Cloud computing. Doanh nghiệp có thể tối ưu các ý tưởng đến thị trường, đáp ứng sớm hơn các yêu cầu của khách hàng khi xây dựng và vận hành các ứng dụng dựa trên Cloud Native. Nền tảng này cũng đã được Gartner đánh giá sẽ trở thành xu hướng công nghệ chiến lược năm 2022.
 
Theo Deloitte, hơn 97% các nhà quản lý Công nghệ thông tin đang có kế hoạch phân phối khối lượng công việc trên hai hoặc nhiều đám mây để tăng cường khả năng phục hồi và hỗ trợ nhanh chóng các yêu cầu quy định. Công nghệ điện toán đám mây năm 2022 có thể sẽ phát triển mạnh mẽ để trở thành công nghệ trung tâm. Khi các nhà cung cấp cạnh tranh để có sự kết hợp hoàn hảo giữa các đám mây công cộng và riêng tư để đáp ứng các thách thức liên quan đến bảo mật và truy cập dữ liệu. Điều này đã dẫn đến sự ra đời và nở rộ của các dịch vụ đa đám mây để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp làm việc linh hoạt (Distributed Enterprise)

Gartner cũng nhận định đây sẽ trở thành xu hướng công nghệ trong năm nay. Loại hình này là một công ty có đầy đủ nhân viên có thể làm việc ở bất cứ đâu họ cảm thấy thoải mái và hiệu quả. Doanh nghiệp này phản ánh mô hình kinh doanh ưu tiên số hóa và làm việc từ xa để cải thiện trải nghiệm của nhân viên, điểm tiếp xúc của người tiêu dùng và đối tác kỹ thuật số cũng như tạo ra các sản phẩm mang tính trải nghiệm.
 
Các doanh nghiệp phân tán nên tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của người lao động và người tiêu dùng ở xa, những người đang thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu về dịch vụ ảo và chiến lược làm việc hỗn hợp.
 
4. Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things, tự động hóa công nghiệp phát triển

Các ứng dụng "Thông minh" hiện nay đang được sử dụng đều được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) - nói chung là các thuật toán học máy - và có khả năng hỗ trợ chúng ta theo những cách ngày càng đổi mới. Kể từ khi Covid-19 bùng phát cách đây gần hai năm, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Theo IBM, vào năm 2022, AI sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn trong các tác vụ chăm sóc khách hàng, Cung cấp cơ hội cho mạng 5G, Giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp,...
 
Theo khảo sát của Forbes, chỉ riêng năm 2020 loa thông minh đã trả lời 100 tỷ lệnh thoại - nhiều hơn 75% so với năm 2019 nhờ vào AI.
Năm 2022 là năm sản xuất và cung ứng mở cửa trở lại sau đại dịch, trong khi đang thiếu hụt người lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp phải ứng dụng AI, robot, Internet of Things để thay thế việc quản lý sản xuất.
  
5. Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR)

Trong suốt năm 2020 và 2021, rất nhiều doanh nghiệp đã trải qua quá trình ảo hóa văn phòng làm việc, khi chỉ đạo công việc từ xa được đưa ra nhanh chóng. Năm 2022 chúng ta sẽ ngày càng trở nên quen thuộc với khái niệm “Metaverse” - Thế giới kỹ thuật số tồn tại song song với thế giới vật chất mà chúng ta đang sống.
 
Những công nghệ này đã và đang trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giải trí cho đến kinh doanh. Nhiều công ty phải làm việc từ xa, và VR - AR là một công cụ hữu ích để các nhân viên liên lạc, làm việc cùng nhau. Ericsson - Công ty viễn thông mạng đa quốc gia Thụy Điển đã cung cấp tai nghe VR cho nhân viên làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch. Hiện tại họ đang lên kế hoạch phát triển “Internet của các giác quan” (internet of senses), được dự đoán rằng vào năm 2030 sẽ mang đến những trải nghiệm ảo không thể phân biệt được với thực tế. Với phần mới nhất trong Seris phim Ma trận, chắc chắn năm 2022 sẽ đưa chúng ta tiến một bước gần hơn đến việc bước vào ma trận cho chính mình.
 
6. Nhu cầu về 5G

Theo nhận định được chia sẻ từ ông Madhav Sheth - Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tập đoàn Realme tại Ấn Độ. Trong 10 năm tới, 5G dự kiến sẽ định hình lại toàn cảnh công nghệ, vì vậy bây giờ là thời điểm tốt nhất để phát triển các sản phẩm hỗ trợ 5G.
 
7. Quản lý dữ liệu khách hàng tập trung trên nền tảng dữ liệu khách hàng (CDP)

Một nguồn dữ liệu duy nhất (ALL IN ONE) là chìa khóa cho hoạt động kinh doanh trong thời đại bùng nổ dữ liệu. Do đó việc thống nhất dữ liệu trên một nguồn duy nhất là yêu cầu đầu tiên và quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
 
Matt Heffer, phó chủ tịch tại Merkle – doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng trải nghiệm khách hàng tại châu Á khẳng định,“CDP sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động xoay quanh khách hàng và thay đổi hoàn toàn cách doanh nghiệp tiếp cận trải nghiệm khách hàng.”
 Nền tảng CDP giúp thu thập tập trung dữ liệu, phân loại khách hàng vào trong một hệ thống có thể để đánh giá từng tệp khách hàng, giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm phần lớn thời gian và nhân lực. Đặc biệt có thể được áp dụng trên nhiều công cụ khác nhau giúp theo sát quá trình mua hàng của họ để cung cấp sản phẩm, dịch vụ đúng nhu cầu.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, CDP sẽ đóng vai trò quan trọng và hứa hẹn trở thành một xu hướng chuyển đổi số hàng đầu trong năm 2022.
 
8. Quản lý Bảo mật cơ sở dữ liệu
Bảo mật dữ liệu nâng cao là điều tiên quyết phải có khi doanh nghiệp triển khai việc chuyển đổi số. Năm 2020 Gartner dự đoán 60% doanh nghiệp công nghệ sẽ gặp phải những lỗi bảo mật lớn. Và dự đoán đã thành sự thật khi sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng trong thời gian gần đây. Với hơn 445 triệu cuộc tấn công mạng đã được báo cáo năm 2020. Những rủi ro về bảo mật có thể khiến doanh nghiệp thiệt hại tài chính lẫn danh tiếng nếu không được xử lý kịp thời.
 
Theo dự báo năm 2022 của Gartner giao diện lập trình ứng dụng (API) sẽ trở thành phương tiện bị tấn công thường xuyên nhất, gây ra vi phạm dữ liệu cho các ứng dụng web doanh nghiệp. Do vậy vấn đề bảo mật cơ sở dữ liệu trong chuyển đổi số luôn phải được chú trọng.
 
Từ những thông tin tổng hợp kể trên, Vivicorp hi vọng góp phần giúp quý tổ chức, doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về xu hướng công nghệ trong thời gian sắp tới. Từ đó giúp đưa ra những nhận định và quyết định phù hợp cho chiến lược phát triển của riêng mình.
 
Quý doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu thêm về các giải pháp tư vấn công nghệ, và phần mềm Quản lý doanh nghiệp, xin vui lòng liên hệ Thương hiệu Tư vấn quản lý Vitranet24 của chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết: https://vitranet24.com/
 
Trân trọng cảm ơn/

Like Bản tin V&V
Nhân dịp năm mới 2015 V&V áp dụng chương trình giảm giá 30% đối với tất cả các...